Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính Phủ quy định về hoá đơn, chứng từ
Nhằm cải thiện các vấn đề phát sinh từ thực tiễn của các doanh nghiệp và cơ quan thuế trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.
Theo đó, một số nội dung đáng chú ý của Dự thảo như sau:
1- Xử lý hoá đơn sai sót có xét đến yếu tố: hoá đơn đã được kê khai thuế GTGT hay chưa (NĐ 123/2020 không quy định).
2- Xuất hoá đơn đối với hàng bán trả lại:
“d) Xử lý hóa đơn điện tử đã lập trong trường hợp trả lại hàng hoá:
d.1) Trường hợp người mua trả lại toàn bộ hàng hóa thì người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập theo quy định tại khoản 1 Điều này.
d.2) Trường hợp người mua trả lại một phần hàng hoá thì người bán thực hiện lập hóa đơn điện tử điều chỉnh theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
d.3) Trường hợp hàng hoá là tài sản thuộc diện phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật và tài sản đã được đăng ký theo tên người mua thì khi trả lại hàng hoá, nếu người mua là đối tượng sử dụng hoá đơn điện tử thì người mua thực hiện lập hóa đơn trả lại hàng cho người bán.
3- Phải có sự đồng thuận của người bán và người mua trước khi huỷ, điều chỉnh, thay thế hoá đơn:
“Trước khi hủy, điều chỉnh, thay thế hóa đơn điện tử đã lập sai theo khoản 1, khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ nội dung sai hoặc người bán phải thông báo cho người mua thông báo trên website của đơn vị mình (nếu có).”
4- Bổ sung quy định về thời điểm lập hoá đơn đối với hàng hoá xuất khẩu:
“Đối với trường hợp xuất khẩu hàng hoá (bao gồm cả gia công xuất khẩu), thời điểm lập hoá đơn không quá 24h kể từ thời điểm cơ quan hải quan xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.”
5- Bổ sung quy định khai thuế đối với trường hợp hoá đơn có thời điểm lập và ký khác nhau:
“Trường hợp hoá đơn điện tử đã lập có thời điểm ký số trên hoá đơn khác thời điểm lập hoá đơn thì thời điểm lập hoá đơn và thời điểm ký số cách nhau tối đa không quá 24h và thời điểm để khai thuế đối với người bán là thời điểm lập hoá đơn, thời điểm khai thuế đối với người mua là thời điểm hoá đơn đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.”
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung khác liên quan đến: giải thích từ ngữ, nguyên tắc lập quản lý, sử dụng hoá đơn, chứng từ; HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với CQT; bổ sung quy định giải pháp nhằm phòng ngừa, hạn chế gian lận về sử dụng HĐĐT; trách nhiệm các bên khi sử dụng HĐĐT; sửa đổi, bổ sung Biểu Mẫu quy định tại NĐ 123/2020; v.v.
Quý bạn đọc lưu ý, Dự thảo Nghị định là đề xuất của Bộ Tài Chính, chưa được Chính phủ thông qua, nên không có giá trị pháp lý áp dụng.
Nội dung chi tiết vui lòng xem file đính kèm.