Công văn số 3220/TCT-CS ngày 26/7/2024 của Tổng cục Thuế hướng dẫn xuất hoá đơn đối với nghiệp vụ trả lại hàng hóa
Theo đó, Tổng cục Thuế hướng dẫn:
Trường hợp nghiệp vụ trả lại hàng hóa của Công ty phát sinh trước thời điểm Công ty áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 thì căn cứ Điều 20 và điểm 2.8 Phụ lục 4 Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính để thực hiện.
“2.8. Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hóa, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ hàng hóa trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT (nếu có).
Trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn, khi trả lại hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.”
Trường hợp nghiệp vụ phát sinh từ thời điểm Công ty áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 thì căn cứ nguyên tắc tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP để thực hiện.
“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”
Nội dung chi tiết vui lòng xem file đính kèm.