Công văn số 5725/TCT-QLN ngày 06/12/2024 của Tổng cục Thuế về Quản lý nợ của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
1-Về tạm hoãn xuất cảnh
Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Đối với trường hợp người nộp thuế là doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thì cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thuộc trường hợp xem xét tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại Điều 66 Luật Quản lý thuế và Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP nêu trên.
Đối với trường hợp người nộp thuế là tổ chức không thành lập theo Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh, Tổng cục Thuế đã báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Điều 66 Luật Quản lý thuế trong đó quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp cá nhân là người đại diện theo pháp luật của Hợp tác xã/ Liên hiệp hợp tác xã và chủ hộ kinh doanh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
2-Về đôn đốc đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, đơn vị phụ thuộc chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 213 Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp có trách nhiệm kế thừa, thanh toán các khoản nợ của chi nhánh, đơn vị phụ thuộc chấm dứt hoạt động. Cơ quan thuế quản lý chi nhánh có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế theo quy định để thu hồi tiền thuế nợ của chi nhánh. Trường hợp cơ quan thuế quản lý chi nhánh không có đủ thông tin, điều kiện thực hiện cưỡng chế thì phối hợp với cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp để thực hiện cưỡng chế theo quy định
3-Về khoanh nợ đối với người nộp thuế là chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
Trường hợp doanh nghiệp vẫn đang hoạt động thì không thực hiện khoanh nợ đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đó.