Công ty TNHH Kế Toán Vina – Công ty chuyên cung cấp dịch vụ kế toán cho Doanh nghiệp Nhật Bản và dịch vụ kế toán cho Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TPHCM và Hà Nội xin chia sẽ bài viết này:
- Khi nào thì việc thay đổi vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ làm thay đổi mức đóng lệ phí môn bài?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4, Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài:
“Điều 4. Mức thu lệ phí môn bài
- Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
a) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
b) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;
c) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hướng dẫn tại khoản này căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ghi trong điều lệ hợp tác xã. Trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
Tổ chức nêu tại điểm a, b khoản này có thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.
Trường hợp vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bằng ngoại tệ thì quy đổi ra tiền đồng Việt Nam để làm căn cứ xác định mức lệ phí môn bài theo tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nơi người nộp lệ phí môn bài mở tài khoản tại thời điểm người nộp lệ phí môn bài nộp tiền vào ngân sách nhà nước.”
Như vậy, vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là căn cứ để xác định mức đóng lệ phí môn bài của Doanh nghiệp FDI (trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Việc thay đổi vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ chỉ làm thay đổi mức đóng lệ phí môn bài nếu vốn điều lệ của doanh nghiệp trước thay đổi nhỏ hơn 10 tỷ đồng và sau thay đổi là từ 10 tỷ đồng trở lên.
Bên cạnh đó, căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài. Điều này có nghĩa là nếu tổ chức đang hoạt động, trong năm có phát sinh thay đổi vốn điều lệ/vốn đầu tư dẫn đến làm thay đổi mức đóng lệ phí môn bài, trường hợp này tổ chức có trách nhiệm nộp lệ phí môn bài thay đổi ở năm kế tiếp, mà không phải nộp bổ sung trong năm phát sinh thay đổi.
Ví dụ: Tháng 05/2019, doanh nghiệp A bắt đầu kinh doanh, có số vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 5 tỷ đồng, mức lệ phí môn bài phải nộp là 2 triệu đồng.
- Tháng 10/2020, doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ lên 11 tỷ đồng (>10 tỷ đồng), mức thu lệ phí môn bài từ năm 2021 (năm kế tiếp năm thay đổi vốn) sẽ là 3 triệu đồng/năm.
- Trường hợp doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 7 tỷ đồng (<10 tỷ đồng), mức thu lệ phí không thay đổi, vẫn là 2 triệu đồng/năm.
- Có phải kê khai lệ phí môn bài khi có sự thay đổi vốn điều lệ?
Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/12/2020:
“Điều 10. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của các khoản thu về đất, lệ phí môn bài, lệ phí trước bạ, tiền cấp quyền và các khoản thu khác theo pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công
….
- Lệ phí môn bài
a) Người nộp lệ phí môn bài (trừ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) mới thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh) hoặc có thành lập thêm đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.
…”
Do vậy, trong năm có sự thay đổi về vốn (cho dù có dẫn đến thay đổi mức đóng lệ phí môn bài hay không), người nộp lệ phí môn bài có trách nhiệm nộp hồ sơ kê khai chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thay đổi.
- Vậy kê khai lệ phí môn bài không đúng thời hạn quy định có bị xử phạt?
Theo quy định tại điều 13, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn:
“Điều 13. Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
“Điều 13. Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
- Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.
Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.”
Do đó quý bạn đọc cần nắm rõ quy định trên để tránh bị xử phạt trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Quý bạn đọc có bất cứ thắc mắc nào liên quan tới bài viết hoặc dịch vụ kế toán cho Doanh nghiệp Nhật Bản, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, vui lòng liên hệ Kế Toán Vina để được tư vấn và hỗ trợ.